Các đề tài chính Sơn Tùng (nhà văn)

Hồ Chí Minh

Năm 1948, ý tưởng tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến với người thanh niên Bùi Sơn Tùng khi ông đang công tác tại Tỉnh đoàn Thanh niên Lao động Nghệ An[4]. Ông đã tìm và gặp chị gái, bà Nguyễn Thị Thanh và anh trai ruột, ông Nguyễn Sinh Khiêm, của chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tìm kiếm tư liệu. Trong những năm kháng chiến cho đến khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam, Sơn Tùng đã nỗ lực không ngừng tìm những nhân chứng liên quan tới đề tài Hồ Chí Minh.

Trong cuộc đời cầm bút Sơn Tùng đã viết 21 tác phẩm văn học thì có tới 13 tác phẩm viết về Hồ Chí Minh[5]. Bên cạnh Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Bác về, Bông sen vàng, Từ làng Sen, tác phẩm nổi tiếng nhất trong chủ đề về Hồ Chí Minh của Sơn Tùng là tiểu thuyết Búp sen xanh[1], cho đến nay đã được tái bản và nối bản tới 30 lần và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới. Với Búp sen xanh, Sơn Tùng thực sự đã trở thành người đầu tiên mở một hướng mới khi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là một con người bình thường, một người con xứ Nghệ[3].

Tuy nhiên không phải mọi sự đều xuôi chèo mát mái, Búp sen xanh khi mới ra mắt lần đầu, dù gây tiếng vang lớn song vẫn bị phê phán gay gắt vì "đời thường hóa" lãnh tụ, miêu tả mối tình của Nguyễn Tất Thành khi còn trẻ với cô Út Huệ[2](nhân vật Út Huệ theo nhà văn Sơn Tùng, là nhân vật có thật). Sau những hiểu nhầm và sự phê phán của một số nhà phê bình định kiến, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đọc Búp sen xanh và rất xúc động, đích thân viết lời tựa cho bản tái bản lần thứ nhất, khẳng định "tiếng nói có trọng lượng nhất thuộc về nhân dân, về bạn đọc". Lời đề tựa này mãi 25 năm sau mới được nhà văn cho in lại trọn vẹn.

Có rất nhiều cây bút tại Việt Nam cũng như trên thế giới thử sức với đề tài Hồ Chí Minh, nhưng giá trị của Búp sen xanh, cũng như nhiều cuốn sách khác về người lãnh tụ khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa này mà Sơn Tùng đã chấp bút, khiến nhiều nhà nghiên cứu và độc giả khẳng định Sơn Tùng là nhà văn viết về Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất, một nhà Hồ Chí Minh học thực thụ[6]. Đã có tới 530 lần nhà văn được mời nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các cơ quan, trường học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học, câu lạc bộ. 88 học giả nước ngoài thuộc nhiều quốc gia từng tới thăm và phỏng vấn nhà văn về Hồ Chí Minh.

Người vẽ cờ Tổ quốc

Theo tìm hiểu của Sơn Tùng, Quốc kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được dùng lần đầu tiên trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940 và tác giả là Nguyễn Hữu Tiến, lúc đó thường được gọi là "ông Hai Bắc Kỳ" [7]. Năm 1981, tư liệu thành văn đầu tiên khẳng định Nguyễn Hữu Tiến là tác giả lá cờ được viết trong cuốn truyện Nguyễn Hữu Tiến của nhà văn Sơn Tùng do Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành tháng 8 năm 1981 [8]. Tuy nhiên, trong công văn số 1393/VHTT-BTCM do Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lưu Trần Tiêu ký ngày 18 tháng 4 năm 2001 có ghi: "Tất cả các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, tại Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc"[9].

Chiến tranh

Sơn Tùng có 2 tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, cuốn Trái tim quả đất viết về Chiến dịch Biên giới (1950) và Lõm viết về Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân (1968). Trái tim quả đất hoàn thành năm 1989, tức gần 40 năm sau sự kiện, tác giả đã có độ lùi thời gian khá xa, sử dụng chủ yếu là các nguồn tư liệu lịch sử để dụng nên những hình tượng và hoàn cảnh điển hình.

Trong Lõm, tác giả với tư cách là người trong cuộc đã từng "lặn" vào nội đô Sài Gòn, và ngay sau khi đất nước thống nhất, Sơn Tùng đã "truy" tiếp tài liệu trong kho lưu trữ của chính quyền Sài Gòn để bắt tay vào viết, đến cuối năm 1976 hoàn thành. Tuy nhiên phải 18 năm sau, vào năm 1994, cuốn sách mới được xuất bản tại Nhà xuất bản Thanh Niên. Tác phẩm đầy ắp những ý tưởng có tính dự báo cao với cái nhìn sắc sảo, logic và nhân văn, văn phong xen cài nhiều thể loại, từ đó bật trội những ám ảnh của tình người, của tương lai hòa hợp dân tộc, của những vấn đề hậu chiến nóng bỏng, mà sau đó dần dần phát lộ trong đời sống đương đại[1].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sơn Tùng (nhà văn) http://vidamdodua.com/index.php?Module=Content&Act... http://thehehochiminh.wordpress.com/2010/01/03/ngh... http://hanoimoi.com.vn/Ban-in/Van-hoa/11905/nha-v2... http://nhavantphcm.com.vn/hoat-dong-hoi/tu-lieu-va... http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?Artic... http://gdtd.vn/channel/2776/201304/Giac-mo-hai-muo... http://phapluattp.vn/20110824101128609p1021c1087/g... http://www.thethaovanhoa.vn/173N20110902054817006T... http://huongsacvietnam.thv.vn/news/Detail/?gID=15&... http://www.tienphong.vn/van-nghe/14365/Nha-van-Son...